Vốn chủ sở hữu là gì, các thành phần và công thức tính chuẩn nhất

    A - Z kiến thức về vốn chủ sở hữu - Công thức tính vốn chính xác nhất


    Ngày 10/01/2023 - 14h52

    1. Vốn chủ sở hữu là gì?

    Vốn chủ sở hữu hay nguồn vốn chủ sở hữu (tên Tiếng Anh: Owner's Equity) là nguồn vốn được chủ doanh nghiệp sở hữu hoặc đồng sở hữu với các cổ đông thuộc công ty cổ phần hay thành viên trong công ty liên doanh.
    Với định nghĩa trên, có thể hiểu, trong một công ty cổ phần hoặc công ty TNHH 2 thành viên trở lên, các cổ đông hoặc thành viên thuộc công ty sẽ cùng nhau góp vốn để thành lập doanh nghiệp và xây dựng nguồn lực cần thiết cho hoạt động kinh doanh giúp công ty phát triển.

     

    Vốn chủ sở hữu là gì?

    Khái niệm vốn chủ sở hữu 
     

    Vốn chủ sở hữu có ý nghĩa quan trọng với mọi doanh nghiệp:

    • Là một trong những yếu tố không thể thiếu khi hình thành nên nguồn vốn của doanh nghiệp.

    • Giúp xác định giá trị của doanh nghiệp trên thị trường.

    2. Vốn chủ sở hữu bao gồm những gì?  

    Cách thành phần thuộc vốn chủ sở hữu

    Các thành phần thuộc vốn chủ sở hữu


    Vốn chủ sở hữu bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, được chia thành 4 nhóm với 7 thành phần chính sau:
    Nhóm 1: Vốn góp/ Vốn đầu tư - Bao gồm:
    Vốn cổ đông/vốn cổ phần: được các cổ đông thuộc công ty cổ phần hoặc thành viên thuộc công ty liên doanh tích góp vào; chi tiết số vốn do mỗi thành viên đóng góp sẽ được ghi rõ trong điều lệ công ty.
    Thặng dư vốn cổ phần: là khoản tiền chênh lệch doanh nghiệp thu được từ giá cổ phiếu phát hành với mệnh giá hiện tại.


    Nhóm 2: Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh - Bao gồm:
    Lợi nhuận chưa phân phối: là khoản lợi nhuận sau khấu trừ thuế chưa được chia cho các cổ đông, thành viên công ty.
    Quỹ doanh nghiệp: thường là các quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển... 


    Nhóm 3: Chênh lệch đánh giá tài sản - Bao gồm:
    Chênh lệch đánh giá lại tài sản: là số tài sản chênh lệch khi thực hiện đánh giá lại các tài sản hiện có của doanh nghiệp như tài sản cố định ,tài sản đầu tư như bất động sản hay hàng tồn kho.
    Chênh lệch tỷ giá hối đoái: thường phát sinh khi giao dịch bằng ngoại tệ, chuyển đổi báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang VNĐ hay khi phải đánh giá lại các danh mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.


    Nhóm 4: Các nguồn khác - Bao gồm:
    Cổ phiếu quỹ: bao gồm giá trị số cổ phiếu tại thời điểm mua và những chi phí liên quan
    Nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản…
    Các thành phần vốn chủ sở hữu đều sẽ được thể hiện chi tiết trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, thành phần chính cấu tạo nên nguồn vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp là vốn cổ đông và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

    3. Cách tính vốn chủ sở hữu chính xác


    Trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhà sáng lập cần phải nắm rõ công thức tính vốn chủ sở hữu chính xác như sau:
    Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản của doanh nghiệp - Tổng nợ doanh nghiệp phải trả

     

     

    Giải thích thuật ngữ:

    • Tổng tài sản của doanh nghiệp: bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn

    • Tài sản ngắn hạn: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, vàng, bạc, tiền đang được luân chuyển,…

    • Tài sản dài hạn: tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính lâu dài, các khoản thu dài hạn,…

    • Nợ doanh nghiệp phải trả: các khoản tiền trả người bán, nộp cho Nhà nước (thuế, các khoản khác,...), trả công cho người lao động, khoản vay tài chính…

    Ví dụ: Một công ty sản xuất máy in có khoản đầu tư bất động sản là 5 tỷ đồng; tổng giá trị thiết bị nhà máy là 3 tỷ đồng; số hàng tồn kho và vật liệu hiện tại là 1 tỷ đồng; các khoản phải thu của công ty là 2 tỷ đồng.
    Công ty đang nợ 2 tỷ đồng tiền mua thiết bị sản xuất, 200 triệu tiền lương cho nhân công và 500 triệu cho nhà cung cấp bao bì, tem mác. 

    Vốn chủ sở hữu của công ty được tính theo công thức như sau:
    VCSH = (5 + 3 + 1 + 2) - (2 + 0.2 + 0.5) = 8.3 (tỷ đồng)
    Trên thực tế, vốn chủ sở hữu có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cổ đông góp thêm vốn, hoạt động kinh doanh thua lỗ v…v. Hy vọng qua bài viết này, độc giả sẽ hiểu hơn về thuật ngữ “vốn chủ sở hữu” trong kinh doanh cũng như cách tính vốn chủ sở hữu chuẩn xác để có thể xây dựng phương án hoạt động giúp doanh nghiệp phát triển bền vững nhất.