Tiếc nuối 12 doanh nghiệp Việt bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm (Phần 2)

    Tiếc nuối 12 doanh nghiệp Việt bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm (Phần 2)


    Ngày 03/03/2023 - 10h25

    5. TRIBECO BÁN LẠI CHO UNI-PRESIDENT 

    Năm 1992, Công ty TNHH Tribeco (tiền thân của Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco sau này) được thành lập với vốn điều lệ 8,5 tỷ đồng, do Nhà nước nắm giữ 51%. Cuối năm 1999, công ty trở thành doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn khi cổ đông Nhà nước chuyển nhượng 51% vốn ra bên ngoài.

    Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa. Năm 2005, lãnh đạo của Tribeco đã bắt tay hợp tác với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC. Điều này, lúc đó được xem là tốt cho cả hai phía với những giá trị cộng hưởng hứa hẹn. Hai năm sau, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác chiến lược Uni-President.

    Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, kết thúc năm tài chính 2008, Tribeco gây ra cú “sốc” lớn với toàn thị trường khi công bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi. Sau cú “sốc” đó, Tribeco bắt đầu “mất lái”, liên tiếp 12/13 quý sau đó toàn thua lỗ. Quý duy nhất có lãi là từ thu nhập bất thường của hoạt động chuyển nhượng cổ phần.

    Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

    Một chuyên gia kinh tế cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các “ông lớn”, đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco. Sau khi hợp tác với Kinh Đô, với tham vọng đưa Tribeco lên tầm cao mới, hai bên đã góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy Tribeco Bình Dương (2006) và Tribeco miền Bắc (2007), trong đó Tribeco đều góp 80% vốn cho cả hai dự án, phần còn lại là của KDC.

    Tuy nhiên, theo đánh giá thì do chiến lược sai lầm, hai nhà máy này không những không phát huy hiệu quả mà đẩy Tribeco vào cảnh nợ nần và trượt dài. Hậu quả là khi Nhà máy Tribeco Bình Dương đưa vào hoạt động cuối năm 2007 với công suất hơn 40 triệu két/năm và tiếp theo là Nhà máy Tribeco miền Bắc vào năm 2008 nhưng sản lượng tiêu thụ của Tribeco ngày càng nhỏ. Theo số liệu của Tribeco, trong năm 2005 DN này tiêu thụ được khoảng 8,14 triệu két, nhưng từ năm 2007-2010 sản lượng tiêu thụ chỉ xoay quanh con số 6 triệu két/năm.

    Và khi Tribeco Bình Dương thua lỗ nặng vào cuối năm 2008, Tribeco Sài Gòn sau đó đã dần dần bán hết phần vốn còn lại trong Tribeco Bình Dương cho chính Uni-President Việt Nam. Năm 2010, Tribeco Sài Gòn bán hết cổ phần ở Tribeco miền Bắc.

    Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Thành viên HĐQT người Việt Nam sau đó cũng đã từ nhiệm. Kinh Đô thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam.

    Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương, khai tử thương hiệu Tribeco Sài Gòn, ung dung hưởng lợi. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco gắn với “đuôi” Bình Dương, chưa kể còn được hưởng một thị phần đáng kể của sản phẩm này mà không phải tốn một đồng để xây dựng thương hiệu.

    6. SABECO BÁN LẠI CHO VIETNAM BEVERAGE

    Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco (Saigon Beer-Alcohol-Beverage Joint Stock Corporation)), tuy là công ty cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn điều lệ doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco (2016). Tổng Công ty là chủ sở hữu của thương hiệu bia Saigon và 333. Tháng 12/2017, công ty con của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi là Công ty TNHH Vietnam Beverage mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại Sabeco với giá tiền là 4,8 tỷ USD.

    Việc Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ 53,59% cổ phần tại Sabeco do nhà nước Việt Nam bán ra, đồng nghĩa là doanh nghiệp Thái Lan đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của Sabeco và thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam. Công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỉ đồng. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính. Công ty này được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Công ty Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage – tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc.

    7. DIANA BÁN LẠI CHO UNICHARM (NHẬT BẢN)

    Ra đời từ năm 1997, Diana là thương hiệu băng vệ sinh Việt của Công ty Cổ phần Diana, do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với tổng số tiền đầu tư ban đầu là 600.000 USD. Đến năm 2011, từ số tiền 600.000 USD, giá trị Diana vọt lên khoảng 200 triệu USD khi được chào bán.

    Tuy nhiên, cái gì cũng có thời gian nhất định, khi đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển, là nhà kinh doanh nhanh nhạy, ông Phú biết rõ rằng nếu chỉ dựa vào tiềm lực của mình, Dianna cũng sẽ chỉ phát triển trong nước mà chưa thể vươn xa đến thị trường toàn cầu. Vì lẽ đó, khi cơ hội đến, ông Phú đã quyết định chấp nhận bán Dianna cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản).

    Từ thực tế trên, Diana muốn tăng trưởng bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong dài hạn thì phải chọn 1 trong 3 con đường: một là tiếp tục tự thân vận động bằng các nguồn vốn vay ngân hàng, hai là phát hành cổ phiếu ra công chúng, và lựa chọn cuối cùng là sáp nhập với một đối tác chiến lược mạnh. Và Unicharm chính là lựa chọn cuối cùng để tối đa hóa giá trị nguồn vốn, cũng như tận dụng các thị trường mạnh mà công ty Nhật

    Một điều dễ nhận thấy là nhờ việc bán thương hiệu Dianna mà ông Phú đã có khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới nổi là tài chính với việc là thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Tienphong Bank. Song song với đó là thương hiệu Diana đã được Unicharm cải tiến, phát triển lên tầm cao mới để cạnh tranh ra thị trường nước ngoài.

    Vào thời điểm năm 2011, đây là một trong những thương vụ M&A có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Mức giá gần 4.000 tỷ đồng cho một doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ 40 tỷ vào năm 2010 khiến khá nhiều người ngạc nhiên.

    Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, Diana có có sự tăng trưởng mạnh: đạt 1.700 tỷ doanh thu và và 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy tại thời điểm hoàn tất giao, Unicharm đã định giá Diana ở mức 40 lần lợi nhuận của công ty (P/E 40 lần).

    Diana tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong các năm sau đó. Chỉ sau 3 năm kể từ khi “đổi chủ”, tình hình tài chính của Diana đã thay đổi rõ rệt. Kết thúc năm 2014, công ty đạt 3.900 tỷ doanh thu và hơn 800 tỷ lợi nhuận sau thuế.

    8. HIGHLANDS BÁN LẠI CHO JOLLIBEE


    Tập đoàn Việt Thái ngày nay được David Thái thành lập năm 2002. Ban đầu, chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội và Tp.HCM. Sau 7 năm, hiện nay số lượng cửa hàng Highland Coffee đã vượt quá con số 80 trên sáu tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong năm 2008, Tập đoàn Việt Thái có hơn 5 triệu lượt khách và phục vụ hơn 2 triệu bữa ăn, hơn 4 triệu cốc cà phê cho khách hàng.

    Công ty Việt Thái Quốc tế của David Thái từng gây xôn xao dư luận khi liên tiếp tiến hành những thương vụ M&A “khủng”. Đầu tiên là cú sốc mua đi, bán lại thương hiệu Phở 24.

    Rất nhanh sau đó, Việt Thái Quốc tế (VTI) lại bán gần một nửa giá trị bản thân. Trong thương vụ này, người ta nhắc nhiều tới Highlands Coffee vì chuỗi cửa hàng cà phê này mang lại danh tiếng cho ông David Thái.

    Jollibee, tập đoàn đến từ Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của tập đoàn VTI do doanh nhân David Thái sở hữu.

    Không chỉ có vậy, Jollibee đã đồng ý cho tập đoàn này vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5%. Khoản vay này sẽ được thanh toán trong năm 2016. Theo lời đại diện của Jollibee, khoản tiền này sẽ được VTI dùng để đầu tư cho tương lai.

    Trong khi đó, Highlands Coffee dù không gặp khó khăn gì như nhiều công ty buộc phải bán cổ phần cho đối tác nhưng vẫn phải chia sẻ quyền lực cho Jollibee vì áp lực cạnh tranh với Starbucks.

    Sau khi mua Highlands Coffee, Jollibee cũng đưa Highlands Coffee vào chuỗi nhà hàng của mình ngoài thị trường Việt Nam và ít nhiều gây được ấn tượng với thực khách. Nhưng Tập đoàn này không công bố nhiều kế hoạch đẩy mạnh phát triển Highlands Coffee.

    Trước khi bán cổ phần cho Jollibee, Highlands Coffee đã từng nhượng quyền cho doanh nghiệp Philiphines. Đối tác của Highlands Coffee là Digital Paradise Inc và IP Ventures Inc. Digital Paradise Inc. và IP Ventures Inc. có mối quan hệ mật thiết với nhau.

    IP Ventures là một công ty về công nghệ thông tin có chuỗi cửa hàng Internet Cafe được quản lý bởi Digital Paradise. Digital Paradise sở hữu chuỗi Netopia, cũng là Internet Café. Đặc biệt, IP Ventures có một công ty con chuyên về game là IP E-Game. IP E-Game nắm 75% cổ phần của Digital Paradise.

    Cuối tháng 11/2011, IP Ventures Inc. đã ký kết nhượng quyền thương mại với Việt Thái quốc tế để đưa chuỗi cửa hàng Highlands Coffee sang Philippines. IP Ventures thông báo rằng thỏa thuận cho phép công ty sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại của Highlands Coffee cho hoạt động cửa hàng cà phê ở Philippines.

    (Còn tiếp)