Trái phiếu là một loại công cụ tài chính phổ biến trong đầu tư chứng khoán, bên cạnh cổ phiếu. Vậy trái phiếu là gì? Có nên đầu tư vào trái phiếu công ty hay không? Trong bài viết dưới đây, Aura Capital sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích cho nhà đầu tư khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp.
1. Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là thuật ngữ chỉ một loại chứng khoán được giao dịch trực tiếp trên thị trường chứng khoán. Khái niệm “trái phiếu” được quy định trong Luật Chứng khoán tại Chương I, Điều 4, Khoản 3 ban hành năm 2019 như sau:
Trái phiếu là sản phẩm chứng khoán có vai trò như một loại giấy ghi nợ, dùng để xác nhận quyền và lợi ích, nghĩa vụ hợp pháp của người sở hữu trái phiếu đối với phần nợ/số nợ của đơn vị phát hành.
Hiểu đơn giản, người sở hữu trái phiếu là chủ nợ và người phát hành trái phiếu phải có nghĩa vụ trả nợ cho người sở hữu theo quy định của Pháp luật, trong một thời gian cụ thể với một mức lợi tức đã được xác định từ trước.
Đơn vị phát hành trái phiếu thường là các doanh nghiệp, công ty hoặc là chính phủ. Những người mua trái phiếu từ các tổ chức này được gọi là nhà đầu tư.
Trong bài viết này, Aura Capital sẽ tập trung đi sâu vào trái phiếu doanh nghiệp.
2. Các loại trái phiếu công ty
Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức để các doanh nghiệp cố gắng huy động vốn từ nhà đầu tư. Có hai loại hình trái phiếu doanh nghiệp chính hiện nay, đó là:
- Trái phiếu doanh nghiệp niêm yết: được công ty đăng ký chính thức và được giao dịch rộng rãi, công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán và phải chịu sự quản lý của đơn vị nhà nước, cụ thể là SGD chứng khoán Việt Nam.
- Trái phiếu chưa niêm yết: là loại chứng khoán chưa được công ty đăng ký, không thể giao dịch trên sàn HOSE hay HNX. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mua - bán loại trái phiếu này trên thị trường tự do OTC với nguyên tắc “thuận mua - vừa bán” mà không phải chịu sự quản lý của bất kỳ đơn vị nào.
3. Lợi ích khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu là loại chứng khoán được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn trong nền kinh tế hiện đại. Trái phiếu doanh nghiệp có thể mang tới những lợi ích sau:
- Lãi suất ổn định: Thông thường lãi suất của loại trái phiếu này sẽ cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm và được trả đều đặn hàng tháng, hàng quý, hàng năm theo cam kết giữa bên phát hành và bên mua.
- Thu nhập đều cho nhà đầu tư: Trái phiếu doanh nghiệp thường có kỳ hạn trả lãi đều đặn theo tháng hoặc theo quý, từ đó giúp cho các nhà đầu tư có thu nhập thường xuyên từ loại hình này
- Tính an toàn cao: So với cổ phiếu, trái phiếu có ít rủi ro hơn. Giả sử trong trường hợp doanh nghiệp phát hành bị giải thể thì người sở hữu trái phiếu sẽ được công ty ưu tiên thanh toán nợ trước so với các nhà đầu tư cổ phần.
- Tính thanh khoản cao: điều này giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển nhượng và thanh toán, mua đi bán lại linh hoạt mà vẫn nhận được số tiền lãi thực trong suốt quá trình đầu tư.
4. Rủi ro cho nhà đầu tư khi chọn trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù được đánh giá là an toàn hơn cổ phiếu nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm tàng những rủi ro sau mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư:
Doanh nghiệp không có khả năng chi trả gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư: trong một số trường hợp như công ty phát hành hay nâng cao giá trị trái phiếu lên để huy động trong khi tình hình tài chính thực tế còn yếu; công ty phá sản, vỡ nợ… thì khả năng doanh nghiệp trả gốc cho nhà đầu tư còn khó chứ chưa nói đến trả lãi trái phiếu.
Nhà đầu tư không được đảm bảo quyền lợi khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: hiện nay TPDN riêng lẻ đã được pháp luật quy định là chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm đầu tư. TPDN riêng lẻ tuy có lãi suất cao nhưng cũng sở hữu nhiều rủi ro lớn, chỉ thật sự phù hợp với những nhà đầu tư lâu năm. Nếu là một nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường này, bạn nên khởi đầu với TPDN được cấp giấy chứng nhận thay vì TPDN riêng lẻ để đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho bản thân.
Nhà đầu tư bị “lừa” bởi các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng: có rất nhiều đơn vị thứ 3 đứng ra hỗ trợ nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, những đơn vị này thường không đảm bảo tính an toàn của trái phiếu. Họ chỉ cung cấp dịch vụ là bên trung gian mua và bán, trao đổi qua lại giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Mọi rủi ro thua lỗ từ trái phiếu, họ sẽ không chịu trách nhiệm.
Đầu tư dù dưới hình thức nào cũng có hai mặt: cơ hội lợi nhuận và rủi ro thua lỗ. Chính vì vậy, bạn nên trang bị cho mình những kiến thức vững chắc, hiểu những thuật ngữ cơ bản nhất như “trái phiếu”, “cổ phiếu” trước khi bước chân vào lĩnh vực này. Hy vọng bài viết trên của Aura Capital sẽ giúp ích được cho bạn. Hãy theo dõi để cập nhật những tin tức mới nhất, thông tin hữu ích về lĩnh vực đầu tư - tài chính nhé!