6 Nguyên tắc quan trọng của chiến lược đại dương xanh

    6 Nguyên tắc quan trọng của chiến lược đại dương xanh


    Ngày 24/02/2023 - 16h09

    Đại dương xanh là những khoảng trống thị trường chứa đựng nhiều tiềm năng nhưng chưa được ai khai phá. Ở những khu vực như vậy, tính cạnh tranh chưa gay gắt bởi luật chơi chưa được thiết lập.

    1. Khái niệm “chiến lược đại dương xanh”

    Chiến lược Đại dương xanh là một ý tưởng kinh doanh táo bạo của W.Chan Kim và Renée Mauborgne. Khái niệm này ra đời lần đầu tiên vào năm 2004. Hai nhà kinh tế học nổi tiếng W. Chan Kim và Renée Mauborgne đã đúc kết từ sự nghiên cứu trên 150 doanh nghiệp thuộc 30 lĩnh vực trong vòng 100 năm qua. Theo đó, chiến lược đại dương xanh được hiểu là chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường mà không có bất kỳ sự cạnh tranh nào hoặc sự cạnh tranh là rất ít. 

    2. Chiến lược đại dương xanh có đặc điểm gì?

    Đặc điểm 1- Chiến lược đại dương xanh sẽ tạo ra một thị trường đầy tiềm năng, với số lượng đối thủ hạn chế, tính cạnh tranh chưa cao: Áp dụng chiến lược đại dương xanh nghĩa là doanh nghiệp sẽ là một trong những người tiên phong khai phá thị trường mới.

    Đặc điểm 2 - Chiến lược đại dương xanh tạo ra các nhu cầu mới: Chiến lược đại dương xanh sẽ tạo ra các nhu cầu mới; cung ứng những sản phẩm, dịch vụ chưa mới mẻ phục vụ khách hàng.

    Đặc điểm 3 - Chiến lược đại dương xanh có thể kết hợp chiến lược khác biệt hóa và chiến lược dẫn đầu về chi phí: Thay vì chỉ áp dụng một trong hai “chiến lược khác biệt hóa” hoặc “chiến lược dẫn đầu về chi phí”, chiến lược đại dương xanh sẽ kết hợp cả 2 chiến lược này để đẩy mạnh doanh thu.

    3. Sáu nguyên tắc của chiến lược đại dương xanh

    1. Vẽ lại biên giới thị trường

    Khi áp dụng chiến lược đại dương xanh, doanh nghiệp phải tìm cách thiết lập lại các đường biên giới thị trường để đưa mình vào khu vực thị trường chưa được nhiều đối thủ khai thác.

    2. Tập trung vào bức tranh tổng thể chứ không tập trung vào các con số

    Thay vì chỉ tập trung vào các bảng biểu, số liệu rời rạc bạn nên có cái nhìn tổng quan để có định hướng rõ ràng hơn về chiến lược thoát khỏi vùng cạnh tranh. 

    Đó cũng chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của chiến lược đại dương xanh. Tuân thủ nguyên tắc này giúp nhà đầu tư giảm thiểu được nhiều rủi ro cũng như tiết kiệm được thời gian thực hiện. 

    3. Vươn ra ngoài nhu cầu tồn tại

    Đây là nguyên tắc đi ngược lại với quy trình truyền thống của các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì tập trung cho khách hàng mục tiêu, các doanh nghiệp sẽ hướng sự tập trung đến những người chưa mua hàng. Như vậy, thay vì bó buộc trong thị trường có sẵn, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường, giảm thiểu cạnh tranh để hướng đến khu vực đại dương xanh. 

    Hai nhà kinh tế học nổi tiếng W. Chan Kim và Renée Mauborgne đã đưa ra khái niệm "chiến lược đại dương xanh" lần đầu vào năm 2004

    4. Thực hiện chiến lược đúng theo trình tự

    Áp dụng chiến lược đại dương xanh, bạn phải đi theo một trình tự chuẩn sau đây:

    • Tìm hiểu giá trị của sản phẩm: Doanh nghiệp phải trả lời được các câu hỏi như: giá trị mà sản phẩm mang lại cho khách hàng? Sự khác biệt của sản phẩm so với những sản phẩm khác trên thị trường? Sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không? 
    • Xác định mức giá hợp lý: Chất lượng sản phẩm liệu có tương xứng với mức giá doanh nghiệp đưa ra không? Mức giá này hướng đến những đối tượng khách hàng nào? Khả năng chi trả của khách hàng với sản phẩm?
    • Xác định mức chi phí hợp lý: Mức chi phí bỏ ra có giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận? 
    • Dự liệu những trở ngại và rủi ro: Trở ngại và rủi ro đối với việc triển khai ý tưởng của doanh nghiệp? Những ý tưởng dự trù để xóa bỏ những trở ngại, rủi ro và tiến về đích? 

    5. Vượt qua những trở ngại về mặt tổ chức

    Một số trở ngại về mặt tổ chức mà các nhà quản lý thường gặp là: 

    • Trở ngại về mặt nhận thức: doanh nghiệp phải có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên. Tức phải khiến cho đội ngũ nhân viên nhìn nhận được sự cần thiết phải thay đổi. Phải hiểu được rằng, muốn có sự tăng trưởng ổn định, dài hạn trong tương lai thì buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi từ vùng đại dương đỏ sang vùng đại dương xanh. 
    • Hạn chế về nguồn lực cũng là trở ngại lớn mà các doanh nghiệp gặp phải. Bởi việc thay đổi cần nguồn lực lớn hơn rất nhiều. 
    • Làm thế nào để thúc đẩy nhân viên chủ chốt tăng tốc cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Việc thúc đẩy nhân viên tăng tốc đòi hỏi một quá trình nhưng yêu cầu tiễn lại không cho phép nhiều thời gian đến vậy. 
    • Điều hòa các mối quan hệ giữa các nhóm quyền lực trong doanh nghiệp. 
    • Khó khăn, trở ngại là vấn đề chắc chắn các doanh nghiệp phải đối mặt. Nhưng việc vượt qua được những trở ngại này đồng nghĩa với việc bạn đã bước gần hơn đến cánh cửa thành công.
    Doanh nghiệp cần bức phá nhảy vào thị trường chưa có ai đi trước đó

    6. Thực thi hóa chiến lược

    Thực thi hóa chiến lược hợp lý sẽ quyết định kết quả của một chiến lược đại dương xanh. Khi thực hiện nguyên tắc này, doanh nghiệp phải chú trọng 3 yếu tố sau:

    • Tính liên quan (engagement): Chiến lược đại dương danh phải được thực hiện bởi tất cả những nhân viên trong doanh nghiệp. Tất cả phải quyết tâm cao độ, phối hợp chặt chẽ để đưa ra những quyết định mang tính chiến lược; 
    • Sự giải thích (explanation): Mọi quyết định được đưa ra phải được lý giải rõ ràng, thuyết phục.
    • Sự kỳ vọng (expectation): Xác định mức độ kỳ vọng của nhà quản lý đối với đội ngũ nhân viên của mình.

    Chiến lược đại dương xanh hiện nay được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm tìm kiếm được nhiều cơ hội tăng trưởng. Và đây chắc chắn sẽ trở thành xu hướng thiết yếu trong nền kinh tế thị trường ở tương lai gần.